Một số lời bình luận về tác phẩm Tây_sương_ký

Kim Thánh Thán, trong khi bình tán về Tây sương ký trong phần Phép đọc vở Mái Tây đã viết:

Ai bảo vở Mái Tây là dâm thư, người ấy ngày sau nhất định phải sa xuống ngục "nhổ lưỡi"! Sao vậy? Vở Mái Tây không phải bỡn, mà là văn hay của trời đất... Từ khi có Trời Đất tất nhiên trong khoảng đó phải có áng văn hay như thế. Không phải ai viết ra cũng được cả, mà là Trời Đất có phép tự mình không kết bỗng soạn lên. Nếu nhất định muốn bảo là của một người viết ra, thì Thánh Thán xin coi người ấy tức là hiện thân của Trời Đất. Vở Mái Tây quyết không phải là dâm thư mà nhất định là một áng văn hay. Từ rầy trở đi, ai bảo là văn hay, ai bảo là dâm thư, Thánh Thán cũng mặc kệ! Kẻ thích văn xem đến cho là văn! Kẻ đã dâm xem đến cho là dâm, thế thôi!

Lý Trác Ngô, trong lời tựa Tây sương ký, đánh giá tác phẩm và tác giả trong sự đối trọng với vở kịch Tì bà, viết:

Người viết vở "Mái Tây" là thợ trời. Người viết vở "Tì Bà" chỉ là thợ vẽ... Vở "Mái Tây" viết có khéo đâu! Viết khéo thì thực không vở nào bằng vở "Tì Bà"! Người viết vở Tì Bà thực đã đem hết tài, hết sức mà viết. Vì người viết đã cố viết cho thật khéo, không còn dư tài sức nữa, nên lời hết thì ý cũng hết, mà văn đọc xác ra không còn ý vị gì! Vở "Mái Tây" thì không thế. Trong khoảng trời đất này vốn có những đáng yêu như thế. Họ viết văn cũng như thợ trời nặn muôn loài, cái khéo của họ ta không thể tìm biết được?... Trời ơi! Ước gì tôi được gặp một người như người viết vở "Mái Tây"

Giả Trọng Minh đời nhà Minh, trong bài Lăng Ba tiên khúc (淩波仙曲, Khúc nhạc vũ của tiên nữ ở Lăng Ba) đánh giá:

Tạp kịch mới, truyền kì cũ, Tây sương ký nhất thiên hạ[2].